Advertisement 1a
Đàm phán Mỹ - Nhật chưa có kết quả, giá vàng không ngừng bùng nổ - Tạp chí Kinh tế Quốc tế

Đàm phán Mỹ – Nhật chưa có kết quả, giá vàng không ngừng bùng nổ

Sự kiện kinh tế thế giới nhận được sự quan tâm lớn trong tuần qua là cuộc đàm phán thương mại giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Nhật Bản diễn ra tại Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Bộ trưởng Bộ phục hồi kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa có cuộc gặp riêng tại Nhà Trắng trước khi đàm phán thương mại Mỹ - Nhật bắt đầu - Ảnh: Truth Social
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Bộ trưởng Bộ phục hồi kinh tế Nhật Bản Ryosei Akazawa có cuộc gặp riêng tại Nhà Trắng trước khi đàm phán thương mại Mỹ – Nhật bắt đầu – Ảnh: Truth Social

 

Tuy nhiên, tâm lý bất an của giới đầu tư vẫn còn lớn, dẫn tới nhu cầu phòng ngừa rủi ro duy trì ở mức cao và giá vàng tiếp tục lập những đỉnh cao lịch sử mới.

Dưới đây là một số thông tin và sự kiện kinh tế thế giới quan trọng trong tuần từ ngày 14-20/4 do VnEconomy điểm lại:

Đàm phán vòng 1 chưa có kết quả

Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên đàm phán với Mỹ về vấn đề thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế đối ứng với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vòng đàm phán đầu tiên diễn ra vào ngày 16/4 được ông Trump mô tả là “đạt được bước tiến lớn”. Trước vòng đàm phán này, đại diện Nhật Bản đã có cuộc gặp ngoài dự kiến với ông Trump tại Nhà Trắng – một dấu hiệu cho thấy ông chủ Nhà Trắng có thể sẵn sàng đi đến thỏa thuận thương mại với các nước đồng minh.

Tuy nhiên, vòng đàm phán đầu tiên chưa mang lại thỏa thuận nào và hai bên nhất trí sẽ tổ chức cuộc gặp thứ hai trong tháng này và tìm kiếm một giải pháp nhanh cho vấn đề thuế quan.

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tạm lắng

Trong tuần qua, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không có thêm diễn biến leo thang nào. Cả hai bên đều tỏ ra cứng rắn với lập trường của mình. Đến nay, Mỹ và Trung Quốc chưa có bất kỳ động thái cấp cao nào để giải quyết bất đồng thương mại.

Ông Trump dường như đang “sốt ruột” khi nhiều lần giục phía Trung Quốc liên lạc để đàm phán vấn đề thuế quan. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định không muốn tiếp tục tăng thuế quan với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bởi việc này có thể làm đình trệ hoạt động thương mại giữa hai nước.

Trung Quốc ra điều kiện đàm phán thương mại

Theo tiết lộ của nguồn tin trong Chính phủ Trung Quốc với hãng tin Bloomberg, Bắc Kinh muốn Washington có một số hành động trước khi hai bên có thể ngồi vào bàn đàm phán thương mại như thể hiện sự tôn trọng hơn, lập trường nhất quán hơn và sẵn sàng giải quyết mối quan tâm của Bắc Kinh liên quan tới vấn đề Đài Loan và các biện pháp cấm vận của Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn chính quyền Mỹ chỉ định một người làm đầu mối chính cho các cuộc đàm phán. Dù chưa chính thức khởi động đàm phán, Bắc Kinh đã bổ nhiệm ông Lý Thành Chương, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) làm trưởng đoàn đàm phán thương mại với Mỹ.

ECB tiếp tục hạ lãi suất

Ngày 17/4, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ lãi suất của khu vực sử dụng đồng euro (eurozone) 0,25 điểm phần trăm về mức 2,25%, thấp nhất kể từ năm 2023. Đây được xem là động thái chuẩn bị để ứng phó với tác động kinh tế từ cuộc chiến thương mại mà ông Trump khởi xướng.

Kể từ khi bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 6 năm ngoái đến nay, ECB đã 7 lần hạ lãi suất. Trong đó, 3 lần được thực hiện từ đầu năm nay. Thị trường hiện dự báo các nhà hoạch định chính sách tại Frankfurt sẽ có thêm ít nhất hai lần giảm lãi suất nữa trong năm 2025.

Bất đồng giữa ông Trump và Chủ tịch Fed

Tuần qua đánh dấu sự leo thang căng thẳng trong mối quan hệ giữa ông Trump và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ông Trump phàn nàn rằng Fed chưa hạ lãi suất như mong muốn của mình và cho rằng ông Powell “luôn chậm chạp và sai lầm”. Vị Tổng thống phát tín hiệu có thể sa thải ông Powell khỏi cương vị Chủ tịch Fed.

Năm ngoái, Fed đã 3 lần hạ lãi suất nhưng từ đầu năm đến nay chưa điều chỉnh lãi suất để theo dõi thêm về tình hình lạm phát.

Trước những chỉ trích của ông Trump, ông Powell khẳng định sẽ vẫn phục vụ tới hết nhiệm kỳ Chủ tịch Fed và nhấn mạnh sự độc lập trong việc hoạch định chính sách của Fed đã được luật pháp Mỹ quy định. Ông khẳng định Fed không bị ảnh hưởng bởi áp lực của chính trị. Nhiệm kỳ Chủ tịch Fed của ông Powell sẽ kết thúc vào tháng 5/2026.

Giá vàng lập đỉnh mọi thời đại

Tuần qua, giá vàng tiếp tục lập đỉnh mới trong bối cảnh đồng USD còn yếu và nhu cầu phòng ngừa rủi ro của giới đầu tư vẫn ở mức cao. Ngày 16/4, giá vàng ghi nhận mức chốt phiên cao kỷ lục ở 3.343,6 USD/oz. Trong piên giao dịch ngày 17/4, giá kim loại quý này có thời điểm đạt mức cao nhất mọi thời đại ở 3.359,9 USD/oz.

Theo dự báo của các nhà đầu cơ, giá vàng có thể tăng lên 3.400 hoặc 3.500 USD/oz hoặc thậm chí cao hơn. Các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs thậm chí dự báo giá vàng có thể lên 4.000 USD/oz vào giữa năm nay. Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng một đợt chốt lời hoặc khả năng thương mại Mỹ – Trung diễn biến tích cực có thể khiến vàng bị bán tháo.

Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tăng lãi suất

Sau chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ kéo dài chưa đầy 4 tháng, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ (CBRT) ngày 17/4 bất ngờ tăng lãi suất cơ bản từ mức 42,5% lên 46%.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt rủi ro lạm phát gia tăng, bất ổn do chính sách thuế quan của Mỹ và căng thẳng chính trị sau vụ bắt giữ thị trưởng thành phố Istanbul Ekrem Imamoglu hồi tháng 3. Trong tháng 3, lạm phát của tại Thổ Nhĩ Kỳ là 38,1%.

Ông Trump chuẩn bị đánh thuế khoáng sản nhập khẩu

Ông Trump ngày 15/4 yêu cầu các cơ quan chính phủ thực hiện một cuộc điều tra nhằm vào khoáng sản quan trọng nhập khẩu để đánh giá sự phụ thuộc của Mỹ vào mặt hàng này từ nước ngoài. Cuộc điều tra này sẽ là cơ sở để áp đặt mức thuế quan mới với khoáng chất nhập khẩu vào Mỹ.

Theo sắc lệnh, các hoạt động thị trường với tất cả khoáng sản quan trọng, bao gồm coban, niken và 17 loại đất hiếm – sẽ được nghiên cứu để cân nhắc áp thuế quan.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khả quan

Tiếp nối đà tăng trưởng cuối năm ngoái, nền kinh tế Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 5,4% trong quý 1/2025. Số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NSB) công bố ngày 16/4 cho thấy GDP quý đầu năm của nước này tăng 5,4% với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức dự báo 5,1% của các nhà phân tích tham gia khảo sát của hãng tin Reuters.

Điều này cho thấy các biện pháp kích thích trên diện rộng từ cuối quý 3 năm ngoái của Bắc Kinh đang bắt đầu mang lại hiệu quả.

Hàn Quốc chi 23 tỷ USD hỗ trợ ngành chip 

Quyết định bơm thêm tiền để hỗ trợ ngành chip quan trọng được Seoul đưa ra trong bối cảnh doanh nghiệp chip Hàn Quốc đối mặt bất ổn gia tăng do các chính sách của Mỹ và cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc. Theo đó, gói hỗ trợ ngành chip được Chính phủ Hàn Quốc công bố năm ngoái sẽ tăng từ 26 nghìn tỷ won (tương đương 18,3 tỷ USD) lên 33 nghìn tỷ won (23,25 tỷ USD).